Trước ngưỡng cửa đại học


Quá trình chuyển tiếp từ phổ thông lên đại học là một trong những trải nghiệm thú vị và phức tạp nhất mà cha mẹ và con cái cùng phải đối mặt. Các tác giả của cuốn sách này - Woodcare và Bane - một người mẹ và một cô con gái - đã cùng nhau bước qua cả những niềm vui và thử thách trong cuộc phiêu lưu của cánh cổng trường đại học. Chân thành và hết sức thực tế, Trước ngưỡng cửa đại học mang đến một cách tiếp cận mới mẻ về sự kết nối và thông tin liên lạc giữa cha mẹ và con cái suốt những năm đại học.

"Trong suốt 22 năm qua, với tư cách là một nhà giáo dục, hiếm khi tôi thấy một cuốn sách độc nhất vô nhị như thế này! Các bậc phụ huynh cũng như các em sinh viên sẽ thấy chính mình trong cuốn sách này và nhận ra rằng họ không hề đơn độc."

- Beverly Stewart - Chủ tịch công ty giáo dục Back to Basics Learning Dynamics

Trích đoạn sách hay:

"...Mùa hè trước khi đi học đại học xa nhà thực sự rất bận rộn nên với tớ, nó rất mờ nhạt. Tớ có một công việc làm thêm nhưng phải dành nhiều thời gian cùng mẹ giải quyết hàng tá việc lặt vặt để chuẩn bị vào đại học. Mẹ thường khiến tớ phát cáu bởi những lời thúc giục và lịch trình của bà. Tớ hoàn toàn chẳng biết gì về lượng thời gian, những nỗ lực và cả khoản tiền phải bỏ ra để chuẩn bị vào đại học. Có đôi lần, tớ nhận ra rằng tớ sẽ sống xa nhà biết bao và cuộc sống mới của tớ sẽ không còn được thoải mái như khi ở nhà, ở ngôi trường thân thuộc cùng gia đình và bè bạn. Đó là một sự khởi đầu mới mẻ và những thứ tưởng chừng xa lắc xa lơ và thú vị vào năm học cuối cấp giờ lại sắp ập đến và có chút gì đó đáng sợ.

Tớ dành phần lớn thời gian cho bạn bè cấp ba. Chúng tớ tán gẫu những suy nghĩ của mình về trường đại học. Trường của chúng tớ không có cùng quy mô và vị trí. Tớ đã chọn một trường lớn hơn nhưng xa hơn và biết rằng mình sẽ không thường xuyên về nhà như mong muốn được. Một lần nữa, tớ cố không nghĩ nhiều về việc đó và muốn mọi việc cứ diễn ra cho xong. Ngày khởi hành đột ngột hiện ra trước mắt. Lần đầu tiên trong suốt mùa hè bận rộn, tớ ngừng lại, hít một hơi dài và tự hỏi thời gian đã trôi biến đâu mất. Cả năm qua tớ đã hồi hộp mong đợi ngày này. Giờ đây khi nó đến, tớ lại không chắc là mình đã sẵn sàng đối mặt với nó hay chưa.

Trên đường đi

Tớ thấy thật khó nói lời chào tạm biệt bạn trai và cô bạn thân của tớ. Sáng ngày tớ đi, tớ không biết mình đang nghĩ gì hay cảm thấy thế nào nữa. Tớ thấy sợ hãi, náo nức, vui vẻ và buồn bã. Tớ không chắc liệu những điều tớ đang làm có đúng không. Mẹ và tớ lái xe khỏi nhà, vẫy tay chào tạm biệt bạn thân của tớ - cô bạn đang ngồi khóc ở bậc thềm nhà và cha dượng tớ, người đang ngồi cạnh. Trong hoàn cảnh đó, mỗi người đều có những cảm xúc riêng. Tớ thấy chết điếng người. Tớ không thể ngoái lại nhìn ngôi nhà hay cô bạn thân của mình. Tớ nhớ là đã vùi đầu vào chiếc gối lúc đó đang nằm trên vạt áo và khóc nức nở. Đây là một kiểu khóc khác bởi vì nó không phải là dạng khóc khi ai đó "cần được an ủi". Đó là kiểu khóc khi người ta "bối rối, không hiểu mình nên làm gì, không hiểu mình đang cảm thấy thế nào". Điều đó càng khiến tớ khóc nhiều hơn nữa.

Đến khu sân bãi trường đại học

Đến khu sân bãi trường đại học, bụng tớ thót lại. Khi nhà tớ tiến vào khu sân bãi, tớ và chiếc ô tô như hòa làm một. Khuôn mặt tớ lúc đó áp sát vào cửa kính vì chiếc xe nhồi nhét đầy va li, túi hộp, áo quần, vật dụng và những chiếc gối.

Tớ đã quyết định đến trường vào ngay ngày đầu trong lịch nhập học. Tớ muốn có được cảm giác tận hưởng căn phòng, ký túc xá và toàn khu trường học. Nhập trường là một quá trình lâu la và đầy mệt mỏi. Phải dạo tới dạo lui chỗ chiếc ô tô vào cái ngày tháng Tám nóng nực ấy. Người ta phải ấn định chỗ để các vật dụng cá nhân, tủ bàn, chăn chiếu và cả những thứ treo tường. Tớ cùng mẹ dỡ các túi và hộp đồ trong khi bố lắp đặt các thiết bị. Đó là một quy trình tẻ ngắt mà tớ lại quên mất mình đã mang theo bao nhiêu là đồ đạc.

Đến khoảng giữa buổi chiều, tớ đã được xếp chỗ trong ký túc xá trường đại học. Tớ gặp nhiều bạn mới trong sảnh lớn nhưng mãi mà vẫn chưa thấy bạn cùng phòng đâu cả. Tớ sợ là bạn ấy không đến và tớ sẽ chỉ có một mình. Chúng tớ đã sớm trò chuyện cùng nhau qua điện thoại vào mùa hè đó. Bạn ấy thuộc típ người trầm tính và có vẻ không được hào hứng như tớ, điều này khiến tớ rất lo lắng. Giờ đây, tớ đang ngồi ở trường, bất động và chẳng có bạn cùng phòng nào! Các bạn nữ khác trong sảnh đường đã làm quen với bạn cùng phòng của họ, tớ tự hỏi đến lúc nào thì bạn ấy đến, mà liệu cô bạn cùng phòng của tớ có xuất hiện không đây? Cuối cùng thì bạn ấy cũng đã đến. Tớ đã xoay xở qua thời điểm mới đến ấy, giờ tớ kéo cô bạn mình đi hoàn tất các thủ tục nhập trường. Mọi việc tiến triển tốt đẹp. Tớ dần nhận ra hai chúng tớ là những thái cực đối lập trong hầu hết mọi phương diện (lịch học, bạn bè và cả sở thích). Nhưng bất chấp những khác biệt, chúng tớ cảm nhận sự thôi thúc gắn bó cùng nhau và chúng tớ đã trở nên thân thiết.

Thời điểm bố mẹ tớ về đã tiến lại gần. Thật khó nói lời tạm biệt, tớ cố không để lộ nỗi thất vọng - chỉ nói cảm ơn bố mẹ và ôm họ hờ hững, chóng vánh. Tớ lo là mẹ sẽ khóc vì như thế cũng khiến tớ khóc theo. Một nhóm bạn mới đợi tớ nhập bọn đến nhà ăn, vì thế tớ chạy biến đi. Thực tế là tớ muốn chạy theo bố mẹ và hét toáng lên: "Ôi, thật tuyệt làm sao! Cả nhà mình cùng về nhà nào!" Nhưng tớ biết tớ không thể làm vậy được. Tớ phải tự kiểm soát bản thân và hành xử như một người trưởng thành; sau rốt, tớ đã thành người trưởng thành thực thụ."

Về tác giả:

Margo E. Bane Woodcare từng có 23 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông, tư vấn và giáo dục, đồng thời bà cũng có 26 năm kinh nghiệm làm mẹ. Steffany Bane từng tốt nghiệp Đại học Miami, hiện cô đang là nhà viết kịch bản quảng cáo đầy sáng tạo của một công ty quảng cáo lớn tại New York.

Thông tin về cuốn sách:

Tên sách

Trước ngưỡng cửa đại học

Tác giả

Morgo E. Bane Woodcare & Steffany Bane

Giá

55.000 (vnđ)

Số trang

205

Nhà xuất bản

Đại học Kinh tế quốc dân

Khổ

14,5 x 20,5 (cm)

Dạng bìa

Bìa mềm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét